Sở dĩ có thân ác nghiệp, khẩu ác nghiệp cũng bắt đầu từ ý nghiệp tham, sân, si mà ra. Vậy vì sao có tham khởi, sân khởi, si khởi? Tất cả từ sự sai lầm chấp có bản ngã, vì có bản ngã sinh ngã sở, từ ngã và ngã sở đó sinh ngã ái, do ngã ái khống chế nên những gì tự ngã yêu thích sẽ khởi ý thủ lấy khiến tham sinh, những gì trái lại ngã ái khiến sân sinh, và ý niệm lưu trữ một cái ngã tồn tại, gìn giữ vun vén đó là tà kiến hay là si.
Hành giả tu tập “ý nghiệp thanh tịnh” phải luôn tỉnh giác chân lý “vô ngã”, nếu không đạt đến kiến tri vô ngã, việc tu hành thân thiện nghiệp, khẩu thiện nghiệp cũng có thể thành tựu, nhưng chỉ đạt phúc báu tái sinh cõi trời – người và có thể hoàn thành ý thiện nghiệp, nhưng chưa đi đến chỗ “ý nghiệp thanh tịnh”.
1. Không tham lam
Lòng tham là cái gốc của sinh tử luân hồi. Lòng tham hay sự ham muốn dục lạc bao gồm năm thứ gồm: tài (tiền của), danh (danh vọng), sắc (sắc đẹp), thực (sự ăn uống) và thùy (ngủ nghỉ). Năm điều này người ta không ai có thể tránh khỏi. Lòng tham được thỏa mãn thì vui mừng, sung sướng. Còn ngược lại khi lòng tham không được toại nguyện thì sinh tâm đau khổ, sầu não.
Lòng tham của con người là vô cùng vô tận, nó như một cái thùng không đáy, có bao nhiêu cũng không đủ. Khi không có thì muốn có, khi có rồi, lại muốn có nhiều hơn. Do đó con người ta phải cả đời làm lụng nhọc nhằn, vất vả để được sung sướng để thỏa mãn lòng tham muốn. Nhưng vì lòng tham là vô tận, người không biết dừng thì không bao giờ thấy đủ, do vậy cả đời là khổ, nhiều khi gây vạ vào thân.
Muốn diệt nghiệp tham, tức khắc phục lòng ham muốn dục lạc ở thế gian, hành giả phải thực hành quán chiếu để thông suốt và để trí tuệ minh mẫn mới mong đạt được hạnh thiểu dục (ít ham muốn). Ý thức rõ sự tác hại của lòng tham dục lạc, hiểu rõ lợi ích của tâm ly dục để xóa bỏ lòng tham, ta phải làm chủ bản thân trước mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng cạm bẫy cám dỗ quanh ta.
Tu tập để diệt trừ lòng tham dục thế gian, không tham đắm, say mê, không dính mắc sẽ đem lại cuộc sống an lạc, thanh thản.
Người Phật tử không những từ bỏ lòng tham lam, mà còn thực hiện hạnh cúng dường, bố thí. Bố thí tức là hạnh buông xả, đem một phần tài sản hoặc của cải của mình chia xẻ cho những người nghèo khổ, bất hạnh.
Phật tử tại gia cũng như xuất gia không bận tâm tranh danh đoạt lợi, hằng sống với tâm buông xả thì tâm trí thảnh thơi, thanh thản, đời sống an lành, an nhiên tự tại, ít bệnh tật, ít khổ đau.
Trái lại, những kẻ phạm vào tội tham lam thì ngay trong kiếp này phải gánh chịu quả báo của nghiệp ác hoặc trong các kiếp sau phải gánh nghiệp bị đọa vào ba đường ác.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào không tham đắm dục lạc thế gian sẽ được năm công đức tự tại sau:
- Ba nghiệp thân, khẩu, ý được tự tại, vì nhân các căn được đầy đủ.
- Của cải được tự tại, vì tất cả giặc thù đều không làm hại được.
- Phúc đức tự tại, vì khi tâm muốn gì đều được như ý.
- Ngôi vua tự tại, vì các của cải quí báu đều được người đem đến dâng hiến.
- Được hưởng phần lợi gấp trăm lần mình đã định, vì kiếp trước mình không có lòng bỏn xẻn.2. Không sân hận
Người không có lòng sân hận thường không để tâm vào những việc trái ý, nghịch lòng. Trước những điều xảy ra không hay cho mình, họ không biểu lộ sự hờn giận, họ luôn luôn giữ sắc mặt hiền hòa, không cau có, không đỏ mặt, không bực bội, không nổi cơn hung ác mà vẫn thản nhiên như không có điều gì xảy ra, thậm chí có khi tươi tỉnh đón nhận sự không vừa lòng cho mình.
Người không sân hận nhận biết được rằng dù có cau có, khó chịu thì sự việc cũng đã xảy ra và chỉ còn tìm cách để mọi việc được ổn thỏa. Mà để cho ổn thỏa thì trước hết là thái độ của mình biết nhẫn nhịn, thậm chí tha thứ thì kẻ gây ra điều trái ý mới có thể nhận ra những điều họ gây ra trái ý với mình.
Người không có lòng sân hận không bao giờ biểu thị thái độ tức giận, hờn mát, ghen ghét, đố kỵ, buồn bực, mà còn biểu lộ cái tâm tùy hỷ trước mọi thành công và thắng lợi của người khác.
Trái lại, người có lòng sân hận là người luôn luôn biểu lộ bằng nét mặt, bằng lời nói hoặc bằng hành động trước những sự việc mà họ không vừa lòng. Tính chất sân hận hoặc hay giận hờn là một tính xấu rất tai hại, nó như một ngọn lửa dữ, nó thiêu đốt cả mình lẫn người quanh mình.
Nó gây tác hại rất lớn đến sự hòa hợp, đoàn kết, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình vì khi sân hận không giữ được bình tĩnh, mất trí khôn, thường dẫn đến lời nói dại dột, lời nói độc ác làm cho người nghe không thể nào chịu đựng được. Vì thế có khi chỉ vì sân hận mà gây ra án mạng, đưa đến cảnh phạm pháp, tù tội. Người có lòng sân hận thường làm cho bản thân và cả những người xung quanh phiền não hoặc đau khổ.
Trong quan hệ xã hội và nhất là trong quan hệ gia đình, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh em với nhau, giữa vợ và chồng, nếu không kìm lại lòng sân hận thì dễ đưa đến tổn hại tình thương, dẫn đến sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Người chồng có tâm sân hận, thì chỉ với một việc sơ xuất nhỏ của người vợ cũng dễ đưa đến lời nói cục cằn, thô lỗ, thậm chí phỉ báng vợ làm tổn hại đến tình nghĩa vợ chồng, làm tác nhân lâu dài cho sự đổ vỡ hạnh phúc.
Họ sân hận đến mức xúc phạm và làm tổn hại nhân phẩm của vợ, chửi mắng vợ với những lời lẽ thô tục, thậm chí họ đang tay đánh đấm vợ bằng những hành động vũ lực. Và ngược lại, người vợ sân hận, hay nóng tính thường nói những lời nặng như chì, sắc như dao, đay nghiến người chồng cũng dẫn đến sự xói mòn tình thương yêu, nghĩa vợ chồng, ảnh hưởng xấu không những đối với hai vợ chồng mà còn tác động xấu đến con cháu.
Trên thực tế, muốn diệt trừ tâm sân hận, ngoài việc phát khởi hạnh từ bi hỷ xả thì phải biết diệt cái ngã, dẹp bớt cái “Tôi” của mình xuống. Đôi khi còn phải thấy mình có trách nhiệm và có lỗi trong sự việc mà người khác gây sân hận cho mình. Cần phải thực tập để có nghị lực nói lời xin lỗi thì mọi vướng mắc sẽ nhanh chóng được giải tỏa.
Đức Phật còn dạy rằng chỉ nên thấy cái đúng, cái tốt của người khác và phải biết thấy cái xấu, cái sai của mình. Trong trường hợp xảy ra sân hận cần phải biết xin lỗi người gây ra cho mình lòng sân hận và tốt hơn là cần phải cảm ơn họ một cách thành thật vì họ đã tạo cho mình cơ hội để rèn luyện, để tu thân, tích đức. Có như vậy mới loại trừ lòng sân hận, mới tạo được nghiệp lành.
Những người không có lòng sân hận luôn luôn sống thanh thản, tùy hỷ công đức, được mọi người quý mến, kính trọng. Trái lại người có lòng sân hận thường gây ra nghiệp báo không lành, nên phải chịu hậu quả không tốt ngay trong cuộc sống và tùy theo nghiệp gây ra nặng nhẹ mà các kiếp sau sẽ bị đọa vào ba đường ác hoặc nếu được sinh làm người cũng bị quả báo tổn hại đến cuộc sống của mình.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Người nào làm chủ được tâm không sân hận thì sẽ được tám điều công đức:
- Tâm không tổn não.
- Tâm không giận hờn.
- Tâm không tranh giành.
- Tâm được nhu hòa, ngay thẳng.
- Tâm được từ bi như Phật.
- Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sinh.
- Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.
- Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được lên cõi Trời Phạm Thiên.
Chỉ có hành giả nào phá gạt được cái tâm sân hận mới chứng được quả Tư đà hàm, bậc thứ hai của quả thánh Thanh Văn.
- Không si mê
Người không si mê là người có sự hiểu biết đúng đắn (chính kiến) và suy nghĩ đúng đắn (chính tư duy), không nhận định một cách mê mờ, không cố chấp vào kiến thức chủ quan của mình, không che đậy sự dốt nát của mình, không tin vào những tà thuyết, những điều không hợp lý, phản khoa học (nghĩa là không mê tín dị đoan).
Người không si mê là người có trí tuệ hiểu biết về những giáo lý của Đức Phật như vô thường, luật nhân quả, thuyết luân hồi, biết làm điều lành tránh điều ác. Họ thường có tâm tỉnh giác cao, không bị hôn trầm, trạng thái tâm trí không mờ mịt.
Người không si mê là người biết phá trừ mọi chấp trước, biết tìm rõ nguồn gốc vô minh.
Si mê trên thực tế là sự bám chấp vào một cái “Tôi” thường còn. Người si mê là người thường thiếu bản lĩnh và kém trí tuệ nên hay nghe theo những điều không đúng đắn, ai nói gì cũng nghe và tin theo một cách mù quáng, không suy xét.
Chính vì vậy, người Phật tử nếu có đầu óc si mê thường bị lôi kéo vào con đường mê tín dị đoan làm tổn hại đến tín ngưỡng giáo lý đạo Phật, xa lìa chính pháp của Đức Thế Tôn. Những người như vậy, trong khi tu tập thường hay bị hôn trầm, thùy miên, ngủ gục. Những điều đó thường là những chướng ngại trên con đường tu tập.
Vì vậy Đức Phật dạy muốn diệt trừ nghiệp si mê phải trải qua tam vô lậu học tức là giới, định, tuệ. Nhờ nghiêm trì giới luật mới phá trừ được si mê, mới thành tựu được nhiều công đức. Muốn tránh tâm si mê, tà kiến, muốn có sự hiểu biết và suy tư đúng đắn, bạn thường phải quán chiếu sự hư ảo của vạn vật, thấy rõ nguồn gốc vô minh, dứt bỏ mọi chấp trước để tâm tĩnh định, tiến lên giải thoát nội tâm.
Để tránh mọi hôn trầm, thùy miên dẫn đến si mê tà kiến và để làm cho tỉnh táo trong suy tư, về mặt đời sống chúng ta cần phải tu tập công phu, ăn uống điều độ, không rượu chè, không để cho thân thể mệt nhọc rã rời.
Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng người phá trừ được si mê tà kiến sẽ thành tựu được mười công đức sau:
- Được niềm vui chân thiện và bạn bè chân thiện.
- Tin sâu nhân quả, thà bỏ thân mạng chớ không làm điều ác.
- Chỉ quy y theo Phật, không quy y theo ngoại đạo.
- Tâm được ngay thẳng chính kiến.
- Thường sinh lên cõi Trời, khỏi bị đọa ba đường ác.
- Phúc huệ không lường, thường tăng lên mãi.
- Dứt hẳn đường tà, chăm tu chính đạo.
- Không còn lòng chấp ngã, bỏ hết các nghiệp ác.
- Trụ nơi chính kiến.
- Khỏi bị nạn dữ.(Nguồn: daibaothapmandalataythien.org)
>> Xem thêm: 10 Bộ Phim Phật Giáo Hay và Ý Nghĩa Trong Cuộc Sống
Có thể bạn sẽ thích
Mặt dây chuyền
Vòng cổ ngọc đồng điếu
Vòng tay Handmade
Bộ vòng handmade mix and match: Chiếc vòng của riêng bạn
Khuyên tai
Bông tai hoa sen vàng đính đá Moissanite – Sống thanh cao và kiên cường
Khuyên tai
Bông tai hoa sen trắng – Thanh tịnh và sáng suốt
Khuyên tai
Khuyên tai vàng chữ Om đính đá Ruby
Nhẫn
Nhẫn lá bồ đề khắc chủng tự Om – Sự thức tỉnh của tâm và tình yêu thương chân thật
Đá thạch anh
BST Vòng charm bạc thạch anh tóc đỏ – May mắn, bình an và nhân duyên tốt lành
Nhẫn
Nhẫn vàng trắng đính đá khắc chủng tự Om