Gia đình sống hòa thuận là điều rất quan trọng, trong khi ly dị là bi kịch cho người lớn lẫn trẻ em. Nếu người lớn xem mục đích chính của hôn nhân là dục lạc, thì việc tranh cãi, đổ vỡ trong gia đình sẽ dễ dàng xảy ra hơn.

Ngay khi người ta không nhận được nhiều khoái lạc như họ muốn, thì bất mãn phát sinh, tranh cãi theo sau, rồi gia đình đổ vỡ. Nhiều người tiếp tục tìm đến với nhiều bạn tình khác, nhưng vẫn không thể thấy thỏa mãn. Đây là một chứng cứ hiển nhiên cho thấy việc bám víu vào dục lạc cá nhân chỉ mang lại khổ đau cho bản thân và cho người.

Nếu cả hai xem Phật pháp là tâm điểm trong mối quan hệ của họ, thì mối liên hệ đó sẽ dễ thành công hơn. Đó là, cả hai, đều quyết định sống có đạo đức và phát triển tình thương đối với tất cả chúng sanh không phân biệt. Nhờ đó họ sẽ giúp đỡ nhau tu tập và phát triển.

 

beach 1867271 640
Thí dụ, khi một người bắt đầu chán nản hay lơ là việc thực hành, thì người kia có thể bằng sự khuyến khích nhẹ nhàng hay thảo luận cởi mở để giúp bạn mình trở lại đúng đường. Nếu có con cái, họ có thể dàn xếp với nhau thời gian nào dành cho việc hành thiền yên tĩnh, thời gian nào dành cho con cái.

Mặc dầu việc nuôi dưỡng con cái rất tốn thời gian, nhưng các bậc cha mẹ không nên xem đó là chướng ngại cản trở việc thực hành Pháp. Qua con cái, họ có thể học được nhiều điều về bản thân. Cả cha mẹ lẫn con cái có thể giúp đỡ nhau vượt qua những thách thức trong vai trò làm cha mẹ trong ánh sáng của những giá trị Phật giáo.

Ảnh hưởng bởi những khuynh hướng đương đại trong tâm lý học, nhiều người kết luận rằng những vấn đề của họ là do những gì họ phải trải qua ttrong thời thơ ấu. Tuy nhiên, nếu người ta nói thế với thái độ trách móc – “Tôi có vấn đề vì những gì cha mẹ đã gây ra khi tôi còn nhỏ” – nó sẽ khiến cha mẹ cảm thấy có lỗi và sợ rằng ngay chính họ cũng sẽ làm ảnh hưởng đến con cái, khi họ lập gia đình. Cảm giác lo lắng này khó thể đưa đến một phương cách dạy con tốt hay có lòng từ bi đối với bản thân. Xem thời thơ ấu của mình như là một căn bệnh mà chúng ta phải chữa trị chỉ đem lại tai hại cho ta cũng như con cái chúng ta.

Mặc dầu chúng ta không thể bỏ qua những ảnh hưởng tai hại trong thời thơ ấu, nhưng chúng ta cũng không nên quên những lợi lạc, sự tử tế mà gia đình đã trao tặng ta. Dầu hoàn cảnh của chúng ta có như thế nào trong thời gian ta trưởng thành, chúng ta cũng là người nhận được rất nhiều sự tử tế của bao người. Nhớ được điều này, chúng ta sẽ tự nhiên cảm thấy mang ơn những người đã giúp đỡ chúng ta. Được như thế, chúng ta cũng có thể trao truyền lòng tử tế, sự quan tâm chăm sóc xuống đến cho con cháu chúng ta.

– Ni Sư Thubten Chodron – Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ –


(Nguồn: Thư viện Hoa sen)

Xem thêm: Hạnh phúc nằm ở “đích đến” hay “con đường”?

Xem thêm: 21 mẫu tranh Phật treo tường đem lại bình an may mắn