Nền Phật giáo tại Việt Nam đang ngày càng phát triển với những giá trị tinh thần tuyệt đẹp mà Phật giáo mang lại. Cùng với đó, những ngôi chùa ngày càng thu hút nhiều du khách và Phật tử ghé thăm không chỉ bởi sự linh thiêng mà còn là vì thiết kế và vẻ đẹp riêng. Hãy cùng điểm qua những ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam nhé.
1. Chùa Tam Chúc – Hà Nam
Chùa Tam Chúc có thể coi là ngôi chùa lớn nhất thế giới. Chùa được xây dựng trên nền của chùa Tam Chúc cổ. Theo các hiện vật thu thập được, các nhà khảo cổ kết luận rằng ngôi chùa cổ này đã có niên đại hơn 1000 năm.
Toàn bộ quần thể chùa có tổng diện tích 5000 ha, bao gồm các hồ nước, núi đá tự nhiên và các thung lũng, tạo nên một khung cảnh hoang sơ, kỳ vỹ, như thể một “Vịnh Hạ Long trên cạn” của Việt Nam.
Không chỉ có cảnh quan hoang sơ, hùng vỹ, chùa Tam Chúc còn khiến người ta ngỡ ngàng bởi sự hoành tráng ở bên trong. Đây là ngôi chùa đầu tiên có toàn bộ phần tường được ráp bằng 12.000 bức phù điêu miêu tả các sự tích về Đức Phật. Những bức phù điêu đặc biệt ấy được tạc bằng đá núi lửa tại Indonesia, sau đó được chuyển về Việt Nam và được ghép lại một cách tỉ mỉ, kỳ công bởi bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công lành nghề.
Chùa Tam Chúc – Hà Nam
2. Chùa Ba Vàng – Quảng Ninh
Tên gọi khác của Chùa Ba Vàng là Bảo Quang Tự. Đây là một ngôi chùa tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc Phường Quang Trung, Thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời chính xác chùa Ba Vàng được khai sơn từ khi nào. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706). Lúc đó ngôi chùa được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659 – 1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ tìm thấy thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13.
Năm 2014, chùa Ba Vàng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất đạt kỷ lục Việt Nam.
Chùa Ba Vàng – Quảng Ninh
3. Chùa Một Cột – Hà Nội
Chùa Một Cột còn được gọi với những cái tên rất hoa mĩ như Diên Hựu tự, Liên Hoa Đài. Đây là ngôi chùa có kiến trúc rất độc đáo tại Việt Nam.
Ngôi chùa này chỉ có duy nhất một gian và nằm trên một cột đá ở giữa hồ Linh Chiểu. Chính kiểu cấu trúc lạ, độc nhất này đã khiến cho Chùa Một Cột trông như một bông hoa sen đang bung nở giữa hồ nước. Đây cũng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch nhất ở Hà Nội.
Chùa Một Cột
4. Chùa Thiên Mụ – Huế
Chùa Thiên Mụ (hay còn gọi là chùa Linh Mụ) nằm trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế chừng 5km về hướng Tây thuộc địa phận huyện Hương Trà. Chùa Thiên Mụ chính thức khởi lập năm Tân Sửu (1601) đời chúa Nguyễn Hoàng – vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong.
Chùa Thiên Mụ không chỉ là một công trình phục vụ đời sống tôn giáo của người dân xứ Huế, mà còn là điểm đến có đóng góp rất lớn cho cảnh đẹp kinh thành Huế – một nét đẹp đặc trưng rất riêng chỉ có ở Cố đô này.
Nằm trước Chùa Thiên Mụ, Tháp Phước Duyên được xây dựng năm 1844 là một biểu tượng không thể tách rời Chùa. Tháp Phước Duyên cao 21m, có 7 tầng và ở mỗi tầng Tháp đều có thờ tượng Phật.
Chùa Thiên Mụ
5. Chùa Ngọc Hoàng – Hồ Chí Minh
Chùa Ngọc Hoàng hay còn gọi là chùa Phước Hải Tự. Ngôi chùa vốn là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế do một người tên Lưu Minh (người Quảng Đông, Trung Quốc) xây dựng vào khoảng đầu thế kỉ 20 theo kiểu kiến trúc Trung Hoa. Năm 1984, chùa Ngọc Hoàng được đổi tên thành Phước Hải Tự. Tuy nhiên, người dân vẫn quen gọi là Điện Ngọc Hoàng bởi khu chánh điện là nơi thờ Ngọc Hoàng theo tín ngưỡng người Hoa.
Chùa Ngọc Hoàng là một ngôi chùa cổ, làm theo kiểu đền chùa Trung Hoa với mô típ trang trí rực rỡ. Chùa xây gạch, mái lợp ngói âm dương, trang trí bờ nóc, góc mái bằng nhiều tượng gốm màu. Trong chùa có nhiều tác phẩm nghệ thuật: tranh thờ, tượng thờ, bao lam, liễn đối, hương án… bằng các chất liệu: gỗ, gốm, giấy bồi.
Lễ hội lớn nhất là Vía Ngọc Hoàng diễn ra ngày 9 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, tương truyền là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế.
Năm 1994, chùa Ngọc Hoàng được công nhận là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Chùa Ngọc Hoàng
6. Chùa Bái Đính – Ninh Bình
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh – Gia Viễn – Ninh Bình. Diện tích chùa Bái Đính được biết đến rộng 1700 ha, bao gồm 80 ha khu chùa Bái Đính mới, và 27 ha khu chùa Bái Đính cổ.
Năm 2014, Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc – Vesak 2014 do Việt Nam đăng cai đã diễn ra tại chùa Bái Đính.
Chùa Bái Đính – Ninh Bình
7. Chùa Hà – Hà Nội
Chùa Hà tọa lạc tại phố Chùa Hà, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi chùa cầu duyên linh ứng nhất tại Việt Nam. Chính vì vậy mà không giống như những ngôi chùa khác, người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên,với Chùa Hà thì đông nhất lại là các bạn trẻ, các nam thanh nữ tú lận đận về đường tình duyên.
Người dân tới đây sẽ cầu nguyện trước các vị Đức Ông, Đức Thánh Hiền, các vị Phật và tam tòa Thánh Mẫu để cầu được bình an, vạn sự hanh thông, duyên tình tròn vẹn.
Chùa Hà
8. Chùa Láng – Hà Nội
Chùa Láng, hay còn gọi là Chiêu Thiền tự , là một ngôi chùa ở làng Láng, Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Tên chùa có ý nghĩa rằng: “Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”.
Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, tính ra vừa đủ 100 gian. Chùa nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, có nhiều cây cổ thụ, có một kiến trúc cân đối hoà quyện với không gian và cảnh quan thiên nhiên.
Hội chùa Láng cử hành vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội, kiệu của Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ bố mẹ ông.
Chùa Láng
9. Chùa Linh Phước – Đà Lạt
Chùa còn được gọi là Chùa Ve Chai vì trong sân chùa có con rồng dài 49 m được làm bằng 12.000 vỏ chai lọ. Chùa Linh Phước là một công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt.
Ngôi chùa này là một trong những công trình kiến trúc cổ kính mang đậm đà bản sắc văn hóa, với một sự kết hợp hài hòa giữa tháp và chùa và theo một lối kiến trúc phương đông đẹp mắt . Từ lâu đây là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất Đà Lạt.
Chùa Linh Phước – Đà Lạt
10. Chùa Hương – Hà Nội
Chùa Hương Hà Nội (còn được gọi là chùa Hương Tích) là một quần thể văn hóa – tôn giáo lâu đời của Việt Nam ngụ tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17.
Đến với chùa Hương, bạn sẽ được chiêm ngưỡng, ngất ngây trước những vẻ đẹp tự nhiên mà mê li, khó cưỡng của thiên nhiên nơi đây. Không chỉ vậy mà bạn còn được tham gia vào nhiều lễ hội khác nhau.
Lễ hội chùa Hương thường kéo dài từ mùng 6 tháng giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn … Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãn cảnh lạc vào non tiên cõi Phật.
Chùa Hương
11. Chùa Bà Đanh
Chùa Bà Đanh có diện tích 10 ha nằm ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Chùa quay mặt hướng Nam ra mạn sông Đáy.
Chùa Bà Đanh còn gọi là Bảo Sơn tự, có cảnh quan sơn thủy hữu tình, thanh u, cô tịch và linh thiêng nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam.
Đã thành lệ bao đời, lễ hội chùa Bà Đanh được tổ chức vào tháng 2 âm lịch hàng năm nhằm tri ân đức thánh bà Pháp Vũ, một vị thần trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đây là vị thần phù trợ cho việc sản xuất nông nghiệp được tốt tươi, đời sống nhân dân được no đủ. Đồng thời lễ hội cũng nhằm tôn vinh, cảm tạ ân đức của các vị thần phật được thờ ở trong chùa đã phù trợ cho cuộc sống của nhân dân.
Chùa Bà Đanh
12. Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang
Chùa Vĩnh Nghiêm, còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Năm 2015, chùa được Nhà nước Việt Nam công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2012, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã trao Bằng công nhận mộc bản Kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu ký ức thế giới.
Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang
13. Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc nằm trên một hòn đảo phía Đông Hồ Tây (quận Tây Hồ), chùa có lịch sử gần 1500 năm, được coi là lâu đời nhất ở Thăng Long – Hà Nội. Kiến trúc chùa có sự kết hợp hài hoà giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa nền tĩnh lặng của một hồ nước mênh mang. Chính vì thế, không quá khó hiểu khi Trấn Quốc lại được trang Thrillist uy tín bình chọn là một trong những ngôi chùa đẹp nhất thế giới, điểm dừng chân không chỉ dành riêng các tín đồ Phật giáo mà cả khách du lịch thập phương.
Hơn thế, chùa còn là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan, du lịch trong ngoài Việt Nam.
Chùa Trấn Quốc
14. Chùa Khai Nguyên
Chùa Khai Nguyên nằm ở thôn Khoang Sau, xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Chùa Khai Nguyên ở Sơn Tây, còn được gọi là chùa Tản Viên, tên hiệu đầy đủ là Tản Viên Sơn Quốc Tự. Chùa có niên đại lịch sử từ thời nhà Lý nửa đầu thế kỉ XI.
Chùa nằm giữa một vùng quê yên bình, tươi đẹp. Có hồ nước vuông vắn nắm trong khuôn viên, cây cối xanh tốt, hoa thơm khắp 4 mùa, đem lại không khí thanh tịnh cho Phật tử, du khách khi bước chân tới chùa.
Chùa Khai Nguyên
15. Chùa Thầy
Chùa Thầy là một nhóm những ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Nằm ở xứ Đoài, nơi ít bị ảnh hưởng trong suốt hàng ngàn năm chống giặc ngoại xâm, là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, với quan hệ đặc biệt với các Hoàng gia triều Lý, hậu Lê nên chùa Thầy có số lượng di sản văn hóa vừa nhiều về số lượng vừa trải đều qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn. Đây là ngôi chùa có tính bảo lưu một cách liên tục nhất các di vật văn hóa, nghệ thuật từ thời Lý.
Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn – một diễn xướng có tính chất tôn giáo – được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc.
Chùa Thầy
16. Chùa Châu Thới – Bình Dương
Ngôi chùa nằm tọa lạc trên núi Châu Thới, thuộc địa phận xã Bình An, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Nơi đây được mệnh danh là một thắng cảnh giữa một vùng đồng bằng rộng lớn. Với độ cao cách mặt nước biển 82m, ngôi chùa ẩn hiện sau rặng những hàng cây cối xanh rì, xung quanh có nhiều hồ nhân tạo tuyệt đẹp.
Đây còn là ngôi chùa cổ xưa nhất tại Đông Nam Bộ.
Chùa Châu Thới
17. Chùa Phật Tích – Bắc Ninh
Chùa Phật Tích còn gọi là chùa Vạn Phúc là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam.
Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” thì chùa Phật Tích được xây dựng vào năm Thái Bình thứ tư (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc.
Năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử – văn hoá.
Chùa Phật Tích
18. Chùa Ông Núi – Bình Định
Chùa Ông Núi còn có tên gọi khác là Linh Phong Sơn tự, tọa lạc trên đỉnh Chóp Vung, huyện Phù Cát, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km.
Đến với chùa Ông Núi, các bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bức tượng Phật Thích Ca lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Tượng có chiều cao 69m, chân đế cao tới 15m.
Chùa ông Núi là di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia, đến nay đã qua 12 đời thừa kế. Hàng năm, lễ hội chùa Ông Núi vào dịp 24 và 25 tháng Giêng âm lịch – ngày giỗ ông Tổ Viên Minh của chùa. Trong dịp này, có hàng ngàn người dân và du khách hành hương về viếng Phật, ngắm cảnh và đến hang Tổ để dâng hương ngưỡng vọng công đức của Ông Núi.
Chùa Ông Núi
19. Chùa Vĩnh Tràng – Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Chùa Vĩnh Tràng, hay còn gọi là Vĩnh Trường, là một ngôi chùa thờ Phật nổi tiếng ở Tây Nam Bộ. Chùa được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 theo phong cách kiến trúc pha trộn Á- Âu tinh xảo, đồng thời vẫn mang đậm nét điêu khắc truyền thống Việt Nam. Chùa gồm 4 gian nối tiếp nhau là tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu, với tổng diện tích 14.000 m².
Nơi đây vừa là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách với những kiến trúc, phong cảnh đẹp, trang nghiêm; đồng thời chùa Vĩnh Tràng còn là một địa chỉ văn hóa, lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Tiền Giang qua bao thế hệ.
Chùa Vĩnh Tràng
Chùa là một cõi linh thiêng và khi hướng về chùa thì tâm hồn ta sẽ được thư thái, vui vẻ, bình yên. Hơn thế, đến với chùa không chỉ là những Phật tử mà còn là những du khách yêu mến cảnh đẹp. Dù bạn là ai đi nữa thì hãy đến với chùa bằng cả tấm lòng trong sạch của mình nhé.
hiennha.com
===>>> Xem thêm khám phá 19 Thiền Viện Trúc Lâm tuyệt đẹp tại Việt Nam.